Chào mừng bạn đến với Vật Tư Lan Sài Gòn!

Một số khái niệm về hoa lan kiếm dành cho kiếm thủ mới

Hà Ngọc Sam 18/04/2021
mot-so-khai-niem-ve-hoa-lan-kiem-danh-cho-kiem-thu-moi

MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ HOA LAN KIẾM DÀNH CHO KIẾM THỦ MỚI

Hoa hay bông là bộ phận chứa cơ quan sinh sản, đặc trưng của thực vật có hoa. Người ta phân biệt hoa lan với các hoa khác bởi hoa lan với bất cứ giống nào, loài nào, dù mầu sắc và hình dáng có khác nhau nhưng cấu trúc của một bông hoa lan, một bông hoa lan kiếm vẫn gồm:

1. BA CÁNH ĐÀI: Cánh Đài Trên & Hai Cánh Đài Dưới. Quan sát một bông kiếm chúng ta sẽ thấy chúng gồm một cánh ở giữa (phía trên cùng của bông hoa) và hai cánh ở dưới, ba cánh này tạo thành một hình tam giác gần đều 

2. HAI CÁNH HOA : Ở một bông lan kiếm chúng ta hay gọi chúng là CÁNH VAI, hay gọi tắt là VAI (Từ đó có các khái niệm: VAI NGANG, VAI XUÔI…) để đánh giá một bông có cánh hoa đẹp: VAI NGANG; và cánh hoa không đẹp, không mở hết: CÁNH XUÔI, CÁNH CÚP…tuy nhiên, đây chỉ là sự đánh giá mang tính định hướng. 

3. MỘT CÁNH MÔI (Lip), làng kiếm chúng ta hay gọi là LƯỠI HOA…từ đó có các khái niệm về màu sắc và hình thái của lưỡi hoa mà chúng ta vẫn nghe, đọc hàng ngày như: LƯỠI (MÔI) hồng, bệt, lưỡi không cuộn (đại đa số hoa kiếm khi nở ra khoảng sau 1-2 ngày lưỡi sẽ cuộn lại), lưỡi trái tim (ví dụ như: Vàng Củ Chi; Ánh Tím Thái Nguyên hay còn gọi là Mai Tâm Kỳ Kiếm), lưỡi kiểu cằm xẻ hay hình quả táo (Đại Long Đao, Đồ Long Đao, five star hay 5 sao của Thái, Lưỡi bệt (lưỡi bông số 1 của Thái, hay một số bông tiên vũ và lô hội Tây Bắc Việt Nam), lưỡi liền – là một dạng lưỡi kiếm đặc biệt, hiếm hiện nay (Bảo Linh An Nhiên, Như Quỳnh, Huyền Trân, Thiên Ma, Mộc, Ngọc Phổ…). Riêng thể loại bông lưỡi liền này, để được gọi là một cây kiếm có bông lưỡi liền, phải được trải nghiệm qua ít nhất hai mùa hoa, và toàn bộ số bông trên cần hoa đều phải là bông lưỡi liền. 

4. BỘ NHỤY, NHỊ (Vòi nhụy, Đầu nhụy…): Là bộ phận truyền giống, thông thường có cả cái lẫn đực. Làng kiếm chúng ta hay gọi là TRỤ NHỤY, còn ĐẦU NHỤY, NẮP… chúng ta gọi là MŨI. Trụ nhụy của các cây kiếm tiên vũ hay lô tại VN đại đa số là màu đỏ đun đậm…một số rất ít là màu vàng sáng, Mũi cũng vậy. Từ đây, chúng ta thường đưa ra một số khái niệm để đánh giá độ “xinh đẹp” của một nàng kiếm cụ thể hiện nay đang được thị trường quan tâm: Trụ nhụy sạch (vàng sáng và không có những vết đỏ đậm lem trên trụ nhụy), Mũi sạch (Mũi vàng sáng). Một số ví dụ cụ thể như sau (không xét các cây Semi, Alba…như Phan Trí, Xanh Huế, Tuyết Ngọc, Trắng CBTN…vì những cây thuộc phân khúc này đương nhiên TRỤ NHỤY & MŨI phải sạch…chúng ta chỉ xét một số cây được gọi là GẦN SEMI hiện đang được quan tâm

_______________________

CÁNH HOA NÓI CHUNG:

Cánh hoa là LÁ biến đổi bao quanh các bộ phận sinh sản của hoa. Các cánh hoa thường có màu sắc sặc sỡ hay hình dạng bất thường để hấp dẫn các sinh vật thụ phấn. Gộp cùng nhau, tất cả các cánh hoa của một hoa tạo thành tràng hoa. Kèm theo các cánh hoa thường là một bộ các lá đặc biệt khác gọi là LÁ ĐÀI nằm ngay phía dưới tràng hoa. Khi các cánh hoa và lá đài của một hoa trông giống nhau thì chúng được gọi là CÁNH ĐÀI 

Người ta thường phân loại các bông lan kiếm theo hai tiêu chí chính: ĐỘ BẦU CỦA CÁC CÁNH HOA & ĐỘ “SẠCH” của các cánh hoa. Theo đó chúng ta sẽ có:

+ Bông cánh Mai; Bông Cánh Bầu; Bông cánh Sen; Bông cánh Chim; Bông Cánh Tăm (gầy) và Bông cánh Cong (ví dụ: Vàng Cánh Cong hay còn gọi là Cánh Tiên…). Ngắn gọn là bạn hãy ngắm một bông lan kiếm với các cánh hoa của chúng và liên tưởng tới các bông: Hoa Mai, Hoa Sen…tức là tùy vào “độ béo” hay “Gầy” của cánh. Về điểm này, cá nhân mình nghĩ thì dù béo hay gầy, mỗi nàng đều có nét đẹp, nét duyên, nét độc đáo riêng…cũng như việc các đấng mày râu, tùy vào quan điểm thẩm mỹ mà thích nàng béo, nàng gầy. Vẻ đẹp của thiên nhiên là vẻ đẹp đa dạng, nét đẹp đa dạng. Bông cánh Mai hiện nay được nhiều kiếm thủ công nhận và yêu thích nhất là MAI HOA TIÊN VŨ và một bông của Đài Loan gần đây…bông cánh bầu thì xưa nhất là cây Cánh Bầu Hưng Yên, Bầu 307…

+ Về độ sạch của các cánh hoa: cũng như phần TRỤ NHỤY & MŨI đã đề cập ở trên…hiện nay, từ quan sát thực tế cho những cây gọi là GẦN SEMI như: Sông Hương, Vị Hoàng, Như Quỳnh, Bảo Linh An Nhiên, Đồng An, Tĩnh Điền, Trấn Sơn, Mộc, Vô Thường, Quỳnh Hương, Hồng Lỡ, Huyền Trân, Nam Giang...Các cây: Sông Hương, Tĩnh Điền, Vị Hoàng, Hồng Lỡ, Huyền Trân…là những cây có thể nói là sạch (tương đối). Các cây còn lại đều còn các vết lọ lem từ gốc cánh lem lên…nhiều hay ít cũng tùy theo từng chậu cây, vùng miền…

PHÂN LOẠI CÁC CÂY KIẾM TIÊN VŨ

Trước hết chúng ta tìm hiểu về khái niệm ĐỘT BIẾN… Những bông hoa lan đôi khi lại biến đổi mầu sắc hay biến đổi hình dáng vốn có. Sự biến đổi này do ảnh hưởng của môi trường sống, điều kiện nuôi trồng, phân bón, nước tưới, nhiễm trùng, nhiễm phấn loài khác do thiên nhiên hay nhân tạo mang đến. 

BIẾN ĐỔI VỀ MẦU SẮC

Sự biến đổi mầu sắc danh từ khoa học gọi là variety, varietal name, hay albino form và alba hay album. Tiếng Việt chúng ta nhiều khi dùng lẫn lộn là biến dạng, biến dị hay biệt dạng v.v... albino form hay alba người ta thường dùng để chỉ một giống lan nào đó, mầu hoa đang sẫm mà biến sang trắng hay nhạt hơn…(ngay cả lá cũng có hiện tượng này như các bạn đã biết: kiếm lá kẻ, lá phi điệp kẻ…phát tài…mà gần đây nhất trong mấy ngày gần đây là Cây Trầu Bà).

BIẾN ĐỔI HÌNH DÁNG

Hoa lan đôi khi cũng biến đổi hinh dáng hay gọi là dị dạng (peloria form hay peloric). Sự thay đổi này có khi là 2 lưỡi (Làng kiếm chúng ta đã có) cũng có khi không có lưỡi (Lộc Đỉnh Kiếm).

Liên quan đến vấn đề này, bạn sẽ đặt câu hỏi: nếu cấy phấn những cây này, cây con có còn đặc tính dị dạng hay không? Không ai có có câu trả lời chính xác, kinh nghiệm cho thấy rằng nếu cấy phấn chỉ có khoảng 20% giống cha hay mẹ mà thôi. Còn cấy mô (meristem)? may ra được khoảng 70-80%, nhưng còn tùy thuộc vào loài lan nào. Có nhiều loài hay giống, cấy mô không thành công.

KHÁI NIỆM ALBA, SEMI, GẦN SEMI, SPLASH, NGUYÊN BẢN (ta quen gọi là Mắm)

1. ALBA: Các cánh và lưỡi đều sạch, màu trắng hay vàng…Lưỡi màu trắng có một chút vàng, và ngược lại. Trụ Nhụy và Mũi tất nhiên là sạch và màu vàng… Đều được gọi là Alba.

2. SEMI: Các cánh hoa sạch (95%) màu trắng hay vàng. Lưỡi có thể đỏ, hồng, vàng…chiếm phần lớn. Trụ nhụy và Mũi sạch, màu vàng.

3. GẦN SEMI: Các cánh hoa màu trắng, vàng, cánh chưa sạch (70-85%). Lưỡi có thể đỏ, hồng, vàng …ở dạng chấm, đứt gãy, hoặc liền…

4. SPLASH: Các cánh hoa màu trắng, vàng, không sạch, có những vết sẫm màu trên cánh (chớp). Lưỡi chủ yếu là màu trắng, hoặc màu khác…có đốm, vệt một chút màu khác một chút nhỏ…Trụ nhụy và Mũi vàng và đỏ.

5. GỐC (NGUYÊN BẢN): Ta hay gọi là “MẮM” để chỉ những cây kiếm (Tiên Vũ hay Lô Hội nguyên bản trong tự nhiên) – Với tiên vũ thì các cánh hoa màu vàng cháy, hơi sạm, sáng hơn khi dưới nắng mặt trời…lô hội hay bicolor thì nói ngắn gọn là những cây không đột biến…cánh không sạch, có những vệt màu to nhỏ trên cánh…Lưỡi đỏ trắng tùy theo cây đỏ hay trắng nhiều hay ít. Trụ nhụy và Mũi đa số màu đỏ…

—————

Thời gian qua và tương lai gần, có rất nhiều người sẽ tham gia vào Làng lan kiếm lá cứng, vì đam mê hay vì mục đích thương mại. Mình tổng hợp một số nét khái quát để anh chị em mới nhập môn hoặc đang chuẩn bị nhập môn tham khảo...có một chút kiến thức về lan kiếm lá cứng.

Nguồn: Hội Lan Kiếm Lá Cứng Miền Nam 

Ảnh: Hoang Trung Nguyen

 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN